Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ – Vĩnh Long Online

, học viên đăng ký học

3 khổ thơ cuối bài thơ Mùa xuân nho nhỏ tập trung thể hiện nguyện ước chân thành, cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải. Để có những cảm nhận, phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ chi tiết, đầy đủ nhất, hôm nay chúng tôi sẽ cùng các em tìm hiểu về 3 khổ thơ cuối qua bài Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ.

Đề bài: Em hãy phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ

I. Dàn ý Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Hải và tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ”.
– Khái quát sơ lược về giá trị nội dung và nghệ thuật của ba khổ thơ cuối.

2. Thân bài

a. Ba khổ thơ cuối đã thể hiện khát vọng, lí tưởng cống hiến cao đẹp của tác giả
– Lời ước nguyện chân thành, tha thiết của nhà thơ:
+ Tác giả đã sử dụng đại từ “ta” kết hợp điệp cấu trúc ngữ pháp “Ta làm… Ta nhập” để giãi bày trực tiếp khát vọng chân thành.
+ Tác giả giãi bày những mong ước chân thành: làm con chim, làm cành hoa, làm nốt trầm “xao xuyến” trong bản hòa ca.
– Từ khát vọng sống, tác giả đã khái quát thành lý tưởng sống cao đẹp
+ Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” là ẩn dụ độc đáo nhấn mạnh ước muốn, khát vọng hóa thân của tác giả.
+ Điệp cấu trúc câu “Dù là… Dù là…” kết hợp với hai hình ảnh mang tính chất tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” khẳng định sự bền vững của khát vọng.

– Bài thơ khép lại bằng những giai điệu dân ca xứ Huế ngọt ngào, đằm thắm và trữ tình:
+ Khúc nhạc “Nam ai” da diết, buồn thương quyện hòa cùng giai điệu “Nam bình” dịu ngọt, êm ái.
+ Giai điệu dịu ngọt hòa cùng “nhịp phách tiền” tươi vui, giòn giã khép lại để lại những dư âm về cuộc sống mới và sức sống mới của dân tộc.

b. Ba khổ thơ cuối thể hiện những giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm

– Thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, cách ngắt nhịp linh hoạt phù hợp với việc thể hiện những mong ước tha thiết.
– Vận dụng thành công nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,…
– Ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi.

3. Kết bài

Đánh giá ý nghĩa nội dung và nghệ thuật của ba khổ thơ cuối.

II. Bài văn mẫu Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ

Mùa xuân là khoảng thời gian quen thuộc gợi lên biết bao xúc cảm, rung động trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nếu nhà thơ Xuân Diệu cảm thức về mùa xuân trong nhịp sống “Vội vàng” chạy đua từng ngày với dòng thời gian trôi chảy để bắt trọn từng khoảnh khắc, Nguyễn Bính say sưa trong không gian làng quê thân quen “Từng nhà mở cửa đón vui tươi” qua “Thơ xuân” thì Thanh Hải thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân đất trời trong sự gắn bó chặt chẽ với đất nước cùng những ước nguyện cống hiến. Ba khổ thơ cuối của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã thể hiện rõ điều này. Qua những vần thơ tha thiết, ngọt ngào, chúng ta có thể thấy được khát vọng chân thành và lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” ra đời vào năm 1980. Đây là quãng thời gian tác giả đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Bởi vậy, thi phẩm giống như một bản tổng kết thể hiện khát khao mãnh liệt, cháy bỏng của nhà thơ. Sau khi vận dụng mọi giác quan để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời bằng tình yêu thiên nhiên, tác giả đã thể hiện niềm tự hào về sự đổi thay của đất nước. Tiếp nối mạch cảm xúc đó, ở ba khổ thơ cuối, tác giả đã thể hiện ước nguyện cống hiến qua những vần thơ thiết tha và cảm động:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”

Tác giả đã sử dụng đại từ “ta” kết hợp điệp cấu trúc ngữ pháp “Ta làm… Ta nhập” để giãi bày trực tiếp khát vọng chân thành. Cái “tôi” xuất hiện ở khổ thơ thứ nhất “Tôi đưa tay tôi hứng” đã chuyển hóa thành cái “ta” để bộc bạch những ước nguyện hết sức bình dị và giản đơn: làm một con chim cất cao tiếng hót rộn rã góp vui cho đời, làm một cành hoa khoe sắc thắm tô điểm trong bức tranh muôn sắc màu của thiên nhiên, làm nốt trầm tạo nên âm vang “xao xuyến” trong bản hòa ca. Qua hệ thống hình ảnh thân thuộc, gần gũi, chúng ta có thể thấy được mong ước khiêm nhường nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ, đồng thời gợi lên mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng. Điều này đã được thể hiện rõ hơn qua khổ thơ tiếp theo:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” được nhà thơ sử dụng làm nhan đề của tác phẩm xuất hiện trong khổ thơ này đã góp phần nhấn mạnh ước muốn, khát vọng của tác giả. Vào những năm tháng cuối cùng đối chọi với bệnh tật, Thanh Hải xin được hóa thân làm “Một mùa xuân nho nhỏ” để hòa quyện, tô điểm làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên đất trời và mùa xuân của đất nước. Các từ “nho nhỏ”, “lặng lẽ” đã làm nổi bật nguyện ước cống hiến thầm lặng, tự nguyện, không ồn ào, khoa trương. Đó chính là lí tưởng sống giản dị nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải. Điệp cấu trúc câu “Dù là… Dù là…” kết hợp với hai hình ảnh mang tính chất tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” đã khẳng định sự bền vững theo thời gian, năm tháng của khát vọng cống hiến, hi sinh thầm lặng. Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng những giai điệu dân ca xứ Huế ngọt ngào, đằm thắm và trữ tình:

“Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”

Trong những năm tháng cuối đời đối chọi với bệnh tật, nhà thơ đã cất cao tiếng hát những làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương. Khúc nhạc “Nam ai” da diết, buồn thương gợi nhớ về những năm tháng bốn nghìn năm “vất vả và gian lao” quyện hòa cùng giai điệu “Nam bình” dịu ngọt, êm ái gợi cuộc sống ấm no, bình yên hiện tại của đất nước. Khúc hát ngân vang đã thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước của nhà thơ. Giai điệu dịu ngọt đó hòa cùng “nhịp phách tiền” tươi vui, giòn giã khép lại bài thơ nhưng vẫn để lại những dư âm về cuộc sống mới và sức sống mới của dân tộc bởi sự kết hợp với điệp khúc: “Nước non ngàn dặm mình – Nước non ngàn dặm tình”.

Lý tưởng cùng khát vọng nhân văn trong tâm hồn thi sĩ đã được thể hiện thành công thông qua thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, cách ngắt nhịp linh hoạt phù hợp với việc thể hiện những mong ước tha thiết. Tác giả còn vận dụng thành công nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,… kết hợp với ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi để thể hiện dòng cảm xúc chân thành và tiếng lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đất nước.

Như vậy, sau khi tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời và sự đổi thay nhịp sống của quê hương, đất nước trong cuộc sống mới, tác giả đã bày tỏ những ước nguyện của bản thân.. Đó là một quan niệm sống tích cực, lấp lánh vẻ đẹp nhân văn của sự cống hiến, hi sinh bình dị và cao đẹp.

—————–HẾT——————

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-3-kho-cuoi-bai-mua-xuan-nho-nho-53620n.aspx
Trên đây là nội dung bài Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ, bên cạnh đó để việc tìm hiểu và phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được hiệu quả, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 9 khác như: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận tình yêu thiên nhiên của người thi nhân qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Suy nghĩ của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ,Bình giảng khổ thơ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ.

Rate this post